Sau khi quay xong 'Tây Du Ký' phiên bản 1986, chú ngựa 'Bạch Long Mã' của Đường Tăng có cái kết như thế nào mà khiến nhiều người 'đau lòng'?

Trong phim "Tây Du Ký", Bạch Long Mã là thú cưỡi và cũng là đồ đệ của Đường Tăng. Ít ai biết rằng, chú ngựa trắng nổi tiếng này đã chịu nhiều biến cố trong suốt những năm phục vụ bộ phim, và cuối cùng lại nhận về cái kết bi thảm.

Ngày 1/7/2024, Tạp chí Thương hiệu & Pháp luật đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Sau khi quay xong 'Tây Du Ký' phiên bản 1986, chú ngựa 'Bạch Long Mã' của Đường Tăng có cái kết như thế nào mà khiến nhiều người 'đau lòng'?". Nội dung cụ thể như sau:

Phiên bản phim "Tây Du Ký" năm 1986 có thể coi là một tác phẩm kinh điển và là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với nhiều thế hệ khán giả. Kỳ nghỉ hè mà không có "Tây Du Ký" thì vẫn chưa trọn vẹn. Bộ phim này được phát lại vào mỗi kỳ nghỉ hè. Nhiều khán giả xem phim không bao giờ chán và không biết đã xem bao nhiêu lần. Sự nổi tiếng của "Tây Du Ký" đã khiến bốn thầy trò Đường Tăng được nhiều người biết đến, có rất nhiều "phiên bản" bắt chước.

Thầy trò Đường Tăng trong phim "Tây Du Ký" phiên bản năm 1986.

Trên thực tế, trong phim "Tây Du Ký", ngoài Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới và Sa Tăng thì Bạch Long Mã cũng là nhân vật đáng chú ý trong tác phẩm này. Chú ngựa gắn bó với bốn thầy trò Đường Tăng trong suốt chặng đường thỉnh kinh đầy gian nan và nhiều bất ngờ. Vậy sau khi quay "Tây Du Ký", thú cưỡi ngựa Bạch Long của Đường Tăng có cái kết như thế nào?

Nguồn gốc của ngựa Bạch Long

Trong tiểu thuyết "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân, Bạch Long Mã (hay còn gọi là Tiểu Bạch Long) là con của Tây Hải Long Vương và là đồ đệ thứ tư của Đường Tăng. Bạch Long Mã ban đầu vì phạm tội với Ngọc Hoàng nên bị phạt á.n t.ử, cuối cùng được Quan Âm giải cứu và chấp nhận thuận theo sự sắp đặt của Quan Âm biến hình thành một con ngựa trắng chở Đường Tăng đi lấy kinh.

Nhưng trên phim, thực tế Bạch Long Mã tuy chỉ là ngựa nhưng lại đóng rất vai trò quan trọng trong phim và xuất hiện ở hầu hết các tập phim. Tuy nhiên, việc ghi hình với ngựa trắng không dễ dàng, bởi thỉnh thoảng, nhân vật đặc biệt này còn sợ máy quay, không hợp tác.

Theo truyền thông, trong giai đoạn đầu quay "Tây Du Ký", ở một cảnh quay, đoàn phim không thể tìm được ngựa trắng nên phải tìm một chú ngựa nâu và sau đó nhuộm trắng nhân vật đặc biệt này để lên hình.

Mãi khi đoàn phim tới Nội Mông thực hiện một cảnh quay, họ đã may mắn gặp một chú ngựa trắng cao lớn, lông mượt, rất phù hợp với vai Bạch Long Mã trong phim. Đạo diễn Dương Khiết đã quyết định hỏi mua chú ngựa này để làm nhân vật trong phim. Tuy nhiên, phía chủ trại ngựa đã từ chối và giải thích, chú ngựa là ngựa phục vụ quân đội nên không thể mang ra bán. Sau khi đạo diễn Dương Khiết ra sức thuyết phục, phía chủ trại ngựa cuối cùng đã đồng ý bán ngựa với giá 800 nhân dân tệ (hơn 2,8 triệu đồng).

Vào thời điểm đó, đoàn làm phim "Tây Du Ký" rất eo hẹp về tài chính, 800 tệ này đối với họ là một số tiền rất lớn. Thế nhưng đạo diễn Dương Khiết vẫn sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền như vậy để mua một con ngựa trắng, điều này cho thấy tầm quan trọng của "Bạch Long Mã" trong phim. Từ đó, chú ngựa trắng đã trở thành Bạch Long Mã, gắn liền với thầy trò Đường Tăng suốt hành trình quay phim.

Ngựa "Bạch Long" biểu diễn tốt

Bạch Long Mã đã không làm mọi người thất vọng, tuy không biết nói như trong tác phẩm gốc nhưng lại thể hiện thần thái đáng kinh ngạc sau khi trở thành “diễn viên” trong đoàn. Chú ngựa này không những rất ngoan ngoãn mà còn rất hợp tác. Nó cùng đoàn đi qua nhiều đoạn đường nguy hiểm, cõng Đường Tăng trên lưng, làm việc vất vả và chịu nhiều gian nan. Nhờ vậy nó đã trở thành linh hồn của bộ phim, góp phần làm nên thành công cho "Tây Du Ký" với những thước phim sinh động, chân thật.

Do yêu cầu của cốt truyện "Tây Du Ký" nên Bạch Long Mã hầu như phải cõng Đường Tăng đi khắp nơi. Thậm chí, để có một cảnh quay hoàn chỉnh phải quay nhiều lần mới được. Đối với một con vật, công việc cường độ cao như vậy thực ra là cực hình. Nhưng vì nó chỉ là một con ngựa, nên nó chỉ biết làm việc chăm chỉ mà không thể phàn nàn.

Kết thúc bi thảm

Bộ phim "Tây Du Ký" được quay gần 5 năm và sau khi phim kết thúc, chú ngựa bạch này không được thả trở về thảo nguyên, mà cùng đạo cụ của đoàn phim chuyển tới phim trường của đài truyền hình CCTV tại Vô Tích, Trung Quốc. Ý định ban đầu của đạo diễn Dương Khiết là hy vọng chú ngựa này có thể sống ở đây lâu dài. Bà nghĩ rằng nó sẽ không còn phải chịu đau khổ vất vả nữa và thời cơ tốt đẹp sẽ đến. Tuy nhiên, sau khi "Tây Du Ký" phát sóng đã trở thành bộ phim nổi tiếng, không chỉ giúp các diễn viên được nhiều người biết đến mà ngay cả chú ngựa bạch cũng thu hút sự chú ý. Sau đó, chú ngựa được đưa ra làm cảnh để kiếm tiền với tấm biển treo "Bạch Long Mã trong Tây Du Ký" để "câu khách". Theo đó, khách du lịch muốn chụp ảnh với chú ngựa này phải bỏ ra một khoản tiền.

Trên thực tế, đạo diễn Dương Khiết lúc đó đã từng về thăm chú ngựa này nhưng không thể thay đổi tình thế của nó. Vì chú ngựa này sức khỏe kém sau sáu năm làm việc chăm chỉ, cộng với sự đối xử tồi tệ của cơ sở phim trường và sự ngược đãi của khách du lịch, khiến "thú cưỡi" của Đường Tăng qua đời chỉ sau ba năm được chuyển đến đây.

Chú ngựa trắng từng là nhân vật chính đóng góp cho "Tây Du Ký" phiên bản năm 1986, nhưng lại nhận kết cục bi thảm khiến nhiều người không khỏi thương cảm và xót xa khi biết chuyện.

Nhiều người cho rằng, cuộc đời của chú ngựa trắng trong "Tây Du Ký" cũng giống số phận nhiều nghệ sĩ tham gia bộ phim đình đám này. Khi tác phẩm thành công và được yêu thích, họ có thể tận dụng ánh hào quang để kiếm tiền, được khán giả ủng hộ, tung hô. Nhưng khi có tuổi và sức hút của danh tiếng đã dần giảm sút, các nghệ sĩ gắn liền với phim có thể bị bỏ rơi, chịu cảnh sống khó khăn mà không ai đoái hoài.

Trước đó, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Kết cục bi thảm của Bạch Long Mã trong 'Tây du ký 1986'". Nội dung cụ thể như sau:

QQ đưa tin bộ phim Tây du kýbản 1986 đã trở thành tác phẩm kinh điển của màn ảnh Trung Quốc. Các diễn viên tham gia trong phim đều là nhân vật huyền thoại trong tâm trí khán giả. Thậm chí, chú ngựa Bạch Long Mã cũng nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, khác với các diễn viên một bước thành sao, kết cục của Bạch Long Mã lại rất thê thảm.

Theo đó, năm 1980, đoàn phim Tây du ký do Dương Khiết làm tổng đạo diễn chuẩn bị để tiến hành chuyển thể một trong tứ đại danh tác văn học Trung Quốc lên màn ảnh. Ban đầu, đạo diễn Dương Khiết không coi trọng việc chọn chú ngựa đóng Bạch Long Mã, là thú cưỡi của Đường Tăng. Vào thời điểm đó không có khu nuôi dưỡng ngựa để phục vụ quay phim. Đạo diễn Dương Khiết dự định khi đi quay ở đâu sẽ tìm một chú ngựa lông trắng ở gần đó để quay.

Tuy nhiên, hiện thực khó khăn hơn những gì bà nghĩ. Các chú ngựa được tìm tới có màu lông không đủ trắng, nếu đoàn phim nhuộm lông cho chúng thì dễ gặp phải tình trạng bị phai màu khi trời mưa. Mặt khác, có chú ngựa được chọn khá già, không thể đảm bảo sức khỏe trong quá trình quay phim. Đa số những chú ngựa cũng ngang bướng, không hợp tác. Đặc biệt, những chú ngựa này thiếu "tiên khí", trong khi Bạch Long Mã vốn là Tam thái tử của Tây Hải long cung biến thành.

Sau đó, đạo diễn Dương Khiết đã tới vùng Mông Cổ để tìm chú ngựa có thể đảm nhiệm vai diễn Bạch Long Mã. Tuy nhiên, chú ngựa này lại thuộc biên chế của đội dân phòng địa phương, có quân tịch. Do đó, lúc đầu ý định mượn ngựa của đạo diễn Tây du ký bị từ chối.

Sau nhiều lần năn nỉ, cuối cùng, đạo diễn Dương Khiết phải bỏ ra số tiền 800 NDT để mua lại chú ngựa, cởi bỏ quân tịch cho nó. Bạch Long Mã sau này theo chân đoàn phim, rong ruổi tới nhiều địa điểm trong và ngoài Trung Quốc để quay phim. Chú ngựa được đánh giá là rất nghe lời, có linh tính, hợp tác tốt trong mỗi cảnh quay.

Chú ngựa Bạch Long Mã theo chân đoàn phim suốt 6 năm, nhưng sau đó bị bỏ rơi.

Bộ phim Tây du ký 1986 sau khi phát sóng lập tức nhận được sự yêu mến của hàng triệu khán giả, giúp các nghệ sĩ nổi danh khắp châu Á. Tuy nhiên, tổng đạo diễn Dương Khiết lại là nhân vật hiếm hoi trong đoàn phim danh tiếng không được nâng cao. Theo QQ, do Dương Khiết tính cách thẳng thắn nên bà đắc tội với đài truyền hình và các diễn viên tham gia trong phim.

Về phần Bạch Long Mã, sau khi hoàn thành bộ phim, chú ngựa được đưa tới phim trường của đài truyền hình CCTV (Trung Quốc) tại Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc. Đạo diễn Dương Khiết đã nhờ các nhân viên chăm sóc chú ngựa cẩn thận. Song, nhân viên vườn thú ở đây đã đem Bạch Long Mã ra để phục vụ việc chụp ảnh cùng khách du lịch.

Trong lần đầu Dương Khiết tới thăm Bạch Long Mã, chú được nhốt chung chuồng với một số chú ngựa khác. Tuy nhiên, do Bạch Long Mã sức khỏe kém, bị chấn thương trong quá trình quay phim nên không thể tranh ăn với đồng bọn. Dương Khiết đã có ý kiến tới ban quản lý phim trường, sau đó Bạch Long Mã được chuyển tới một chuồng giữ riêng, thế nhưng không gian chuồng nhỏ hẹp.

Lần thứ hai đạo diễn tới thăm Bạch Long Mã, lúc này, chú ngựa vốn có vẻ ngoài sung mãn, lông trắng muốt, "tiên khí", đã trở nên gầy gò và bẩn thỉu. Đạo diễn Dương Khiết chia sẻ lại: "Chú ngựa nhìn tôi, sau khi thở dài một cái, nó quay đi và không nhìn tôi nữa".

Dương Khiết cho biết thời điểm đó mức lương của bà rất thấp, không đủ sống qua ngày nên nữ đạo diễn không thể giúp cải thiện chất lượng chăm sóc Bạch Long Mã. Thậm chí, khi bà vận động các diễn viên trong đoàn giúp đỡ, nhưng chỉ nhận lại sự thờ ơ của mọi người. Nữ đạo diễn còn từng viết câu chuyện về Bạch Long Mã để thể hiện nhân tình ấm lạnh trong cuộc đời. Đến năm 1997, Bạch Long Mã qua đời trong bệnh tật mà ít người nhớ tới.