Những loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử của tài xế từ năm 2025
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, nhiều loại giấy tờ của người điều khiển phương tiện có thể được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Báo Tiền Phong ngày 19/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Những loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử của tài xế từ năm 2025" cùng nội dung như sau:
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có 9 chương, 89 điều, nội dung cơ bản và những điểm mới, vấn đề đáng lưu ý.
Cụ thể, tại Chương IV (Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tích hợp các loại giấy tờ của người lái xe vào tài khoản định danh điện tử và quy định việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
Trong đó, các loại giấy tờ có thể tích hợp gồm: Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực chứng nhận đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe);
Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...
Theo Cục CSGT, khi thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, thì lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
Trong quá trình xử lý vi phạm mà người vi phạm xuất trình giấy tờ qua VNeID thì lực lượng chức năng sẽ tạm giữ, tước giấy tờ trên môi trường điện tử.
Hiện nay trên ứng dụng VNeID được tích hợp các loại giấy tờ như Thẻ Căn cước/CCCD, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe...
Thời gian vừa qua, nhiều người dân đã tích hợp các loại giấy tờ này trên ứng dụng VNeID và họ thấy rằng, việc tích hợp này rất đơn giản và thuận lợi vì khi cơ quan chức năng kiểm tra người dân chỉ cần mở điện thoại di động đăng nhập vào ứng dụng và xuất trình theo quy định.
Luật trật tự, an toàn giao thông được xây dựng với quan điểm chỉ đạo là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân.
Việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước;
Đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Tiếp đến, báo Tuổi trẻ ngày 19/11 cũng có bài đăng với thông tin: "Quy định mới về xác thực tài khoản MXH tại Việt Nam: Những điều bạn cần biết". Nội dung được báo đưa như sau:
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định: Những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt nam có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng từ 100.000 lượt trở lên phải có trách nhiệm như sau:
- Thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ MXH bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Nếu người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì thực hiện xác thực bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
- Với trường hợp người dùng mạng xã hội livestream với mục đích thương mại thì phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
- Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;
Khi nào tiến hành xác thực tài khoản mạng xã hội?
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người dùng mạng xã hội theo quy định.
Nếu sau 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực vẫn chưa tiến hành xác thực tài khoản thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.