Mức phạt mới nhất nếu không đăng ký tạm trú
Nếu không đăng ký tạm trú theo pháp luật thì theo quy định mới nhất, người vi phạm sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo trang VTC News ngày 15/11/2024 có đăng tải thông tin: "Mức phạt mới nhất nếu không đăng ký tạm trú" . Nội dung như sau:
Điều kiện đăng ký tạm trú
Theo Khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020, nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định điều kiện đăng ký tạm trú là công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Như vậy, công dân đến sinh sống tại một nơi trong một khoản thời gian nhất định ngoài nơi thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.
Mức phạt về tạm trú mới nhất
Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.
Như vậy, trong trường hợp không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Thủ tục đăng ký tạm trú
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (người đăng ký tạm trú chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản). và giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú. Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trước đó, ngày 14/11/2024 báo Dân Trí có bài viết với tiêu đề: "9 trường hợp bị xóa đăng kí thường trú, xóa rồi thẻ căn cước có bị thu hồi?". Nội dung như sau:
Luật cư trú 2020 nêu 9 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, nhiều người băn khoăn, đã xóa đăng ký thường trú có bị thu hồi thẻ căn cước? Không nơi thường trú, tạm trú có làm căn cước được không?
Xóa đăng ký thường trú có bị thu hồi thẻ căn cước?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 quy định về thu hồi, giữ thẻ căn cước. Theo đó, thẻ căn cước có thể bị thu hồi khi thuộc các trường hợp sau đây:
- Công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Thẻ căn cước cấp sai quy định;
- Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
Như vậy Luật Căn cước mới nhất đã bổ sung thêm 2 trường hợp bị thu hồi thẻ Căn cước, gồm: Thẻ căn cước cấp sai quy định; Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
Theo đó, trường hợp bị xóa thường trú sẽ không bị thu hồi thẻ căn cước theo Luật Căn cước 2023. Thẻ căn cước của công dân vẫn có giá trị sử dụng như bình thường. Tuy nhiên, trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thể hiện công dân đã bị xóa đăng ký thường trú.
Không có nơi thường trú, tạm trú làm căn cước được không?
Ngoài ra, nhiều người cũng băn khoăn khi không có nơi thường trú, tạm trú làm căn cước được không? Về vấn đề này, theo Điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước:
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú.
Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Như vậy, căn cứ những quy định trên thì người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thì vẫn được đăng ký cấp thẻ căn cước.
9 trường hợp xóa đăng kí thường trú
Về vấn đề này, khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020 nêu rõ 9 trường hợp xóa đăng ký thường trú như sau:
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:
1. Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
2. Ra nước ngoài để định cư;
3. Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của luật này;
4. Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
5. Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
6. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
7. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
8. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;
9. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.