Cô giáo mầm non rơi nước mắt khi kể chuyện nghề
Vừa vào làm giáo viên mầm non, Ngọc Trâm (22 tuổi) bị phụ huynh mắng té tát vì nghĩ đã để bạn đấm vào mắt con, trong khi trẻ lên chắp.
Báo VnExpress ngày 16/02/2017 có đăng tải thông tin với tiêu đề: "Cô giáo mầm non rơi nước mắt khi kể chuyện nghề". Với nội dung như sau:
Là giáo viên một trường mầm non ở Hà Nội Ngọc Trâm chia sẻ chọn nghề vì nghĩ sẽ rất vui khi được chơi với trẻ con. Tuy nhiên, sau 2 năm làm việc, cô nhận ra có quá nhiều áp lực đối với công việc này.
Cô giáo mầm non ứa nước mắt kể chuyện nghề
"Chúng em thường đùa nhau rằng, cô giáo mầm non không khác gì cửu vạn, ngày nào cũng phải bê chồng khay cơm cao ngất cho học sinh. Dù được nghỉ trưa nhưng giáo viên vì lo trẻ ngủ đạp chăn ra hoặc chảy mồ hôi dẫn đến ốm sốt… nên lại thức trông trẻ", Trâm kể. Bắt đầu công việc từ 7h15, nhiều hôm Trâm và đồng nghiệp phải đợi phụ huynh tới đón con đến gần 19h mới được về.
Nói trong nước mắt, nữ giáo viên bảo áp lực lớn nhất đến từ phụ huynh. Nhiều cha mẹ mặc định con chưa ngoan hay gặp vấn đề gì đều "lỗi ở các cô". Trâm từng bị một phụ huynh mắng thậm tệ vì nghĩ cô chểnh mảng trong trông coi để bạn đấm sưng mắt của con. Khi bác sĩ khẳng định, trẻ bị lên chắp chứ không phải bị đánh, người bố này tảng lờ, không một lời xin lỗi.
"Có những lúc em tưởng như mình không chịu đựng nổi nữa. Chỉ cần cô sơ sảy trong chăm sóc trẻ một chút, bố mẹ có thể làm to chuyện lên", Trâm nói và trào nước mắt khi nhắc chuyện bố mẹ bảo cô nghỉ vì thấy vất vả quá.
Ngọc Trâm (22 tuổi) giáo viên mầm non rơi nước mắt khi kể về nghề. Ảnh: Quỳnh Trang.
Mai Dung (26 tuổi, giáo viên một trường công lập Hà Nội) từng bị phụ huynh đưa luật sư đến trường dọa khi nghe con kể cô giáo không cho ăn, ngủ. "Đó là cú sốc lớn với em", Dung nói. Hôm đó bố học sinh không trao đổi trực tiếp với giáo viên mà "tố" với hiệu trưởng. Anh này dẫn cả luật sư, kỹ sư công nghệ thông tin đến kiểm tra camera, đề phòng trường cắt, sửa video buổi con bị "ngược đãi".
"Phụ huynh dọa kiện em ra pháp luật, xử theo luật rừng… nếu camera ghi lại hình ảnh đúng như con đã nói. Tuy nhiên, sau khi xem lại video cả ngày học của con và thấy trẻ vẫn được chăm sóc bình thường, anh này lẳng lặng bỏ về. Từ hôm đó, phụ huynh cũng không đến gặp hay gọi điện xin lỗi và tự động chuyển trường cho con", Dung kể lại.
Phụ trách lớp hơn 50 học sinh và chỉ có 3 giáo viên, ngoài việc dạy trẻ các kỹ năng cần thiết, Dung phải làm đủ việc từ cho các bé ăn, ngủ, dỗ dành, vệ sinh lớp… "Một ngày, em phải rửa vệ sinh cho mười mấy học sinh, giặt quần áo bẩn do trẻ ị đùn, tè dầm, lau phòng học, cọ nhà vệ sinh liên tục… Trước đây, chúng em còn phải ngày 2 lần rửa hàng trăm bát đũa cho học sinh", cô Dung nói.
Trong khi đó lương tháng của nữ giáo viên mầm non 4 năm trong nghề này hiện là 3,6 triệu đồng, đã gộp cả phụ cấp bán trú.
Lớp đông, không thể tránh những lúc để học sinh bị vấp ngã hay đánh nhau. Tuy nhiên, Dung kể, nhiều phụ huynh cứ thấy con có vết cào trên mặt hay bầm tím trên da là quy kết cho giáo viên đánh trẻ. Có người còn đứng trước cửa hỏi con là bị cô nào đánh. "Những lời ấy như gáo nước lạnh dội vào mặt, sỉ nhục tư cách của giáo viên", Dung chia sẻ.
Cô giáo tâm sự, nhiều lúc nóng giận khi trẻ không nghe lời, quậy phá, nhưng chưa một lần vung tay đánh học sinh. Lúc cảm thấy không thể kìm chế nổi bản thân, Dung chọn cách đóng cửa lớp, đi ra ngoài trấn tĩnh. Cô giáo có 2 con nhỏ tâm niệm rằng, nếu không muốn ai "động" vào con mình thì mình cũng không nên làm gì con người khác.
Cô Thùy Linh (33 tuổi), có 11 năm trong nghề giáo viên mầm non. Ảnh: Quỳnh Trang.
11 năm trong nghề, cô Thùy Linh (33 tuổi) cho biết, bản thân và nhiều giáo viên khác không bao giờ đánh, chửi học sinh. Việc một số phụ huynh quy chụp trường mầm non nào cũng đánh trẻ, khiến những giáo viên như Linh rất buồn. Ứa nước mắt khi nhắc chuyện con mình luôn ở tốp đi sớm và về muộn nhất trường tiểu học, chị Linh bảo, có lẽ tỷ lệ cao giáo viên mầm non muốn chuyển việc.
Cô Nguyễn Thanh Hương (Hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội) cho biết chưa một lần được dự khai giảng của con. Tối nào đi làm về không nhận được điện thoại phản ánh từ phụ huynh, chị mới nhẹ lòng, thấy đã hoàn thành nhiệm vụ.
Áp lực với công việc bị nhiều định kiến, ít sự cảm thông của phụ huynh, các giáo viên kể trên cho biết, nếu không vì yêu trẻ sẽ không tiếp tục được công việc. Các cô mong muốn, phụ huynh có cái nhìn đồng cảm, công tâm hơn và cùng nhà trường chăm nuôi, dạy dỗ tốt trẻ nhỏ. "Sự đồng cảm, ghi nhận công sức của giáo viên từ phụ huynh chính là động lực giúp chúng tôi thêm yêu và làm tốt hơn công việc vất vả này", giáo viên mầm non Thùy Linh chia sẻ.
*Tên giáo viên đã thay đổi.
Trước đó, báo Hà Nội Mới ngày 23/10/2015 có bài viết "Xúc động trước ký sự rơi nước mắt của cô giáo mầm non". Nội dung như sau:
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc bảo mẫu ở các trường mầm non tư thực bạo hành trẻ nhỏ. Cũng chính bởi thế, dư luận có cái nhìn đầy khắt khe với những giáo viên mầm non. Giữa tâm bão dư luận ấy, mấy ngày gần đây một "tâm thư" của giáo viên mầm non kể chuyện nghề đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Theo đó, chia sẻ đã nhận được sự cảm thông của rất nhiều người. Được biết dù tâm sự này đã xuất hiện trên mạng đã hơn 1 năm song hiện giờ, nó vẫn chưa hết nóng.
Mở đầu chia sẻ, hình ảnh cô giáo mầm non hiền hòa trẻ trung, được các em nhỏ vây quanh xuất hiện, “Cô dạy các em múa, hát, dạy học chữ… và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Chính vì điều đó mà tôi ao ước sau này mình trở thành một giáo viên mầm non. Thế nhưng khi điều ước trở thành sự thật, thì nó lại trở thành điều mà tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời của mình. Giá mà tôi đã lựa chọn một nghề khác…”.
Trước nhiều sự việc về bạo hành trẻ nhỏ ở những trường mầm non tư thục, cộng đồng mạng lại chuyền tay nhau chia sẻ đầy xúc động của nghề giáo viên mầm non
Nhưng những cú sốc nghề nghiệp từ lúc cô cầm tấm bằng cao đẳng trong tay đã khiến cô thất vọng và hối hận về nghề mình đã từng đam mê, hi vọng. Cú sốc đầu tiên cô giáo chia sẻ đó là thất nghiệp .
“Sau 3 năm học cao đẳng sư phạm mầm non ra trường, tôi va vấp với cuộc đời. Và cú sốc đầu tiên của tôi chính là… thất nghiệp”. Lời tâm sự cho rằng hiện nay số lượng giáo viên mầm non đang thiếu nhiều, xin việc ngành này ắt hẳn là rất dễ. Nhưng thực tế không như cô giáo mầm non dự tính vì số lượng trường mầm non không nhiều, nhất là ở vùng nông thôn. “Thế nên 6 tháng sau khi cầm tấm bằng cao đẳng về quê, tôi vẫn thất nghiệp. Quá chán nản với việc thất nghiệp, không có tiền tiêu và không biết phải chờ đợi đến bao giờ để có thể xin được vào một trường mầm non công lập, tôi quyết tâm khăn gói lên thành phố xin vào một trường mầm non tư thục. Cuối cùng tôi được nhận vào một trường mầm non tư thục mới thành lập với mức lương chưa tới 1,5 triệu đồng/tháng. Cũng đỡ khó khăn hơn so vơi mấy đứa bạn học phổ thông của tôi học ngành hot, ra trường vẫn thất nghiệp tràn lan. Tuy rằng chưa được như ý nguyện ban đầu, nhưng tôi đã thoát khỏi tình trạng thất nghiệp".
Tâm thư của cô giáo mầm non đang được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi.
Cú sốc thứ hai đến từ áp lực công việc. Lời tâm sự xúc động từ người làm nghề này cho biết thời gian làm việc là 8h nhưng thực tế cô phải gồng mình chiến đấu 10h/hằng ngày. Không những vậy, trông một đứa trẻ đã rất mệt nhưng bản thân cô trông một lớp có 40 em mới có 2 giáo viên:“Quả thật với bằng ấy công việc mỗi ngày, khi vác được thân xác về tới nhà, hôm nào tôi cũng mệt rã rời. Nhiều đêm tôi nghĩ sao mình lại lựa chọn con đường này, số tiền mình nhận được quá ít ỏi so với công sức và áp lực mình đang phải gánh chịu. Với một người phụ nữ bình thường, chỉ một đứa con thôi cũng đã bận tối tăm mặt mũi, không còn phút nào dành cho bản thân, huống gì chúng tôi chỉ có 2-3 cô giáo mà có tới 40 cháu. Vừa cho các cháu ăn (với những cháu lười ăn thì đây thực sự là một cuộc chiến), vừa dạy hát múa, dạy chữ, kể chuyện, ru các cháu ngủ, làm vệ sinh cá nhân cho các cháu…”.
“Mặc dù nhiều áp lực đến thế nhưng rồi mỗi sáng khi thức dậy tôi lại tự trấn an mình, nghề nào cũng có sự vất vả khó nhọc riêng. Và tôi đã lựa chọn con đường này cho mình thì sẽ cố gắng đi đến cùng. Thế nhưng cuộc đời quả thật không đơn giản như mình nghĩ. Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi được hiệu trưởng gọi lên khiển trách vì có phụ huynh tố cáo tôi “ăn bớt” sữa của các con. Quả thật tôi chưa bao giờ làm như vậy nên rất bất ngờ”. Đó là cú sốc thứ 3 cô gặp phải.
Cô giáo mầm non này đã bị phụ huynh chỉ trích bằng những lời lẽ nặng nề: “Tôi hiểu rằng làm cha mẹ ai cũng lo lắng cho con mình, thế nhưng những lời nói ấy thực sự đã làm tôi tổn thương vì tôi không làm như thế. Hàng ngày tôi vẫn cho bé ăn uống đầy đủ như những em khác, sữa mẹ bé gửi tôi vẫn cho uống nhưng bé không chịu hợp tác mà chỉ thích uống sữa tươi. Sau khi nghe tôi giải thích vị phụ huynh kia cũng nguôi ngoai, phần vì không có bằng chứng việc tôi “ăn bớt” thức ăn của bé nên chị ấy bỏ ra về. Còn tôi đứng trơ trọi ở trường mà trong lòng tràn ngập nỗi buồn và hối hận…”.
Ngoài ra, cô giáo mầm non thật sự căng thẳng trong chính gia đình của mình. Cô cho rằng mình đã thay đổi thành một con người khác từ khi bước chân theo cái nghiệp mầm non. Cô mang trong mình áp lực của nghề mà về nhà vô tình xả nỗi bực dọc xuống chồng con. Tình cảm vợ chồng dần phai nhạt sau mỗi cơn giận dữ vô cớ của cô mà không có cách nào cứu vãn nổi.
“Cho đến một hôm tôi nổi điên đánh đứa con 1 tuổi của mình chỉ vì cháu quấy khóc mà tôi thì đang phải soạn giáo án để mai có đoàn thanh tra về trường. Chồng tôi về đúng lúc ấy, anh tức giận quát mắng và tát tôi... Thì ra con tôi đang ốm sốt vì mọc răng nên cháu khó chịu quấy khóc. Là một người mẹ, một giáo viên mầm non, chăm sóc cho hàng trăm đứa trẻ nhưng con mình như thế nào tôi lại không hề hay biết. Anh nói rằng tôi đã thay đổi, rằng nếu tôi cứ tiếp tục theo đuổi cái công việc lương không đủ ăn mà áp lực chồng chất này thì sớm hay muộn gia đình cũng sẽ tan nát. Nói xong anh bỏ đi”.
Với những cú sốc đó, cô giáo mầm non trong câu truyện đã phải đặt ra một dấu hỏi lớn về sự sai lầm của mình khi chọn nghề giáo viên mầm non. Và liệu cô có thể chọn lại nghề hay không?
Áp lực lớn của các cô giáo mầm non không phải ai cũng thấu hiểu. Nguồn: Internet.
Chia sẻ nhận được rất nhiều lời cảm thông từ xã hội. Đặc biệt là các cô giáo mầm non khác mang chung một nỗi khổ với nghề. Chủ tài khoản Facebook C.Bằng chia sẻ: "Nghe những lời tâm sự đó như là nói về mình, mình cũng đã từng trải qua tâm trạng giống như bạn. Có một lần, một em học sinh bị ngã xước tay nhưng không nói cho các cô biết mà về mách mẹ bảo bị cô đánh. Ngày hôm sau, chưa nói chưa rằng mình bị lãnh ngay cú tát của phụ huynh. Chưa bao giờ mình thất uất ức, đau xót như thế. Nhưng về sau hỏi trẻ thì bé bảo bị ngã. Phụ huynh cũng đổ lỗi cho mình luôn là trông gì để cháu bị ngã. Mình đành ngậm bồ hòn làm ngọt".
Cô giáo Nguyễn Thùy Linh, giáo viên mầm non trường mầm non Tuổi Hoa, quận Đống Đa tâm sự: "Nghề nào cũng có nỗi khổ riêng, nhưng nghề mầm non chắc khổ nhất. Nhưng đã trụ lại được với nghề đã là một sự nỗ lực tuyệt vời của nhiều cô. Chắc chắn những cô giáo đó tâm huyết với nghề, yêu thương trẻ con mới chịu được những áp lực như vậy".
Chị Thu Bích - phụ huynh có con đang học 1 trường mẫu giáo tư thục tại Hà Nội cho biết: "Đọc xong tâm sự này, mình thực sự xúc động. Biết bao sự việc vừa xảy ra khiến mình chán nản, thất vọng về những giáo viên mầm non. Mình từng nghĩ là tâm huyết của giáo viên bây giờ quá yếu so với trước đây, và liệu mình cần ngồi chờ tới lượt con mình chịu trận hay không? Nhưng thực ra, những cô giáo dậy con mình rất tốt. Hôm nay đọc được đoạn share tâm thư về nghề của cô giáo mầm non, mình thấy thương họ".