Bà nội chi 335 triệu đồng mua bảo hiểm cho cháu gái, 11 năm sau đi rút tiền cho cháu nhập học thì được thông báo: “Muốn nhận đủ tiền thì phải chờ 42 năm nữa”
Sau 5 năm mua bảo hiểm, cụ bà ở Trung Quốc mới phát hiện ra gói bảo hiểm của mình có thời hạn lên đến 53 năm.
Ngày Bà nội chi 335 triệu đồng mua bảo hiểm cho cháu gái, 11 năm sau đi rút tiền cho cháu nhập học thì được thông báo: “Muốn nhận đủ tiền thì phải chờ 42 năm nữa”". Nội dung chính như sau:
Vào ngày 26/7/2014, theo lời giới thiệu của một nhân viên bán bảo hiểm quen biết, mẹ của ông Lục là bà Vương ở Chiết Giang, Trung Quốc, đã mua một sản phẩm bảo hiểm của của công ty Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc cho cháu gái 7 tuổi của bà. Theo chia sẻ, nhân viên bán hàng đã nói rằng khi tham gia gói bảo hiểm cho trẻ em và thanh thiếu niên này, cháu gái bà Vương sẽ có quỹ tiền học đại học và quỹ khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Đặc biệt, cháu gái bà Vương có thể rút cả gốc và lãi khi đủ 18 tuổi.
Lúc đó, nhân viên bán bảo hiểm cũng lấy ra một tập giấy tờ, bên trong ghi rõ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Ví dụ, nếu người tham gia bảo hiểm đóng 200.000 NDT/năm và đóng thành 5 đợt thì đến năm 18 tuổi, tổng số tiền mà cháu gái bà được hưởng có thể lên tới 1.276.243 NDT. Ngoài quỹ học đại học và quỹ khởi nghiệp, người được hưởng bảo hiểm còn có thể nhận được 10.705 NDT tiền học phí mỗi năm cho đến khi đủ 18 tuổi. Thậm chí, khi họ tròn 60 tuổi cũng sẽ được nhận một khoản gọi là “tiền mừng thọ”.
Dưới sự giới thiệu nhiệt tình của "người quen", bà Vương đã ký hợp đồng mua gói bảo hiểm trên. Mỗi năm, bà cụ này đóng 20.000 NDT, tổng cộng là 100.000 NDT (hơn 355 triệu đồng) sau 5 năm.
Vào tháng 3/2025, khi cháu gái tròn 18 tuổi và sắp nhập học đại học, bà Vương muốn rút tiền cho cháu đóng học phí nên đã đến công ty bảo hiểm trên. Tuy nhiên khi kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm, con trai bà Vương phát hiện ra rằng nội dung trong hợp đồng hoàn toàn khác với những gì mẹ mình kể. Theo đó, hợp đồng ghi rõ thời hạn bảo hiểm từ năm 2014 và kết thúc vào năm 2067, tức thời điểm mà con gái anh tròn 60 tuổi. Điều đó có nghĩa là hợp đồng này kéo dài 53 năm thay vì 5 năm như nhân viên bán bảo hiểm nói.
Ảnh minh hoạ: Internet
Vì người này đã nghỉ việc và mất liên lạc từ lâu nên anh Lục đành phải trực tiếp liên hệ với Công ty Bảo hiểm Thái Bình Dương để làm rõ vấn đề. Đại diện công ty này cho biết gói bảo hiểm mà bà Vương mua đã ngừng cung cấp vào tháng 2/2015 nên hiện tại họ chỉ có thể giải quyết theo nội dung quy định trong hợp đồng. Theo đó, nếu muốn chấm dứt hợp đồng lúc đó, bà Vương chỉ có thể nhận được khoảng 70.000 NDT (hơn 248 triệu đồng). Còn nếu muốn nhận đủ cả tiền gốc lẫn tiền lãi, họ chỉ có thể đợi thêm 42 năm nữa.
Nghe những lời này, anh Lục cho rằng mẹ của mình đã bị công bảo hiểm lừa gạt nên vô cùng tức giận. Sau khi chia sẻ câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội, bài đăng của người đàn ông này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người cũng phát hiện ra rằng họ từng mua gói bảo hiểm trên của công ty Thái Bình Dương và gặp trường hợp tương tự.
Một cư dân mạng ở Giang Tô đã để lại bình luận cho biết 10 năm trước, mẹ cô đã mua cùng loại bảo hiểm với gia đình bà Vương theo lời giới thiệu của một người bạn học cũ. Nhân viên bán bảo hiểm khi đó nói rằng khi mẹ cô 60 tuổi, bà có thể nhận được một loạt tiền hoàn lại, bao gồm tiền mừng tuổi, quỹ dự trữ giáo dục cho trẻ em, tiền mừng sinh nhật…., tổng cộng lên tới hàng trăm nghìn NDT. Tuy nhiên, người này không giải thích gì về những rủi ro cũng như những tổn thất mà người tham gia bảo hiểm sẽ phải chịu nếu hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn.
"Từ năm 2015 đến nay, lợi nhuận mà loại bảo hiểm này tạo ra chỉ hơn 4.000 NDT. Tôi chỉ có thể lấy lại được tiền gốc vào năm 2060, như vậy là quá lâu và tôi không thể chờ đợi. Nhưng nếu tôi rút tiền ngay bây giờ, tôi sẽ mất một khoản tiền rất lớn. Tôi đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan”, người phụ nữ này cho biết.
Một cư dân mạng khác ở Quảng Đông cũng mua loại bảo hiểm tương tự và trả 10.000 NDT mỗi năm trong suốt 10 năm qua. Người này cho biết đến thời hạn đi rút, công ty bảo hiểm thông báo rằng tiền gốc chỉ được rút khi người được hưởng bảo hiểm tròn 60 tuổi.
“Điều đó có nghĩa là tôi không thể sử dụng số tiền này, và con tôi cũng chưa chắc đã được sử dụng. Việc mua bảo hiểm này không có ý nghĩa gì cả", người này để lại bình luận.
Đối với vụ việc này, một chuyên gia bảo hiểm ở Trung Quốc cho biết thực chất các điều khoản trong gói bảo hiểm mà công ty bảo hiểm cung cấp không có vấn đề gì. Cái sai đây có thể là do người tham gia bảo hiểm đã không đọc và hiểu kỹ về các quy định trong hợp đồng, hoặc nhân viên tư vấn đã cung cấp sai thông tin khiến họ hiểu sai về hợp đồng nói trên. Với những trường hợp trên, luật sư này cho biết nạn nhân có thể đưa giấy tờ liên quan đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm mà nhân viên bảo hiểm cung cấp trước đó để khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư này cũng cho biết trong những năm gần đây, các vụ kiện tụng phát sinh từ sản phẩm bảo hiểm trở nên phổ biến, phần lớn là do nhân viên tư vấn không làm tròn nghĩa vụ tư vấn cho khách hàng hoặc lừa dối khách hàng, gây ra tranh chấp. Do đó, mọi người nếu trước khi tham gia bảo hiểm nên đọc kỹ nội dung hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản về thời hạn và quyền lợi bảo hiểm. Không nên chỉ dựa vào lời tư vấn miệng của nhân viên bán hàng để rồi rước thiệt thòi vào người.
Ngày 07-12-2024, An ninh tiền tệ có bài đăng "Sau 10 năm tham gia bảo hiểm nhân thọ, đóng hơn 200 triệu đồng, người mua nhận về gần 100 triệu đồng". Nội dung cụ thể là:
Tham gia đóng bảo hiểm nhân thọ 10 năm, tổng số tiền mà người mua đã đóng là hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi đáo hạn hợp đồng, số tiền nhận về chưa đầy 100 triệu đồng.
"Năm 2015, tôi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ. Theo tư vấn viên, với tài chính cá nhân ở thời điểm đó, mỗi năm tổng phí bảo hiểm phải nộp của tôi ước tính 20 triệu đồng. Sau thời hạn đóng bảo hiểm 10 năm, nếu không có rủi ro phát sinh, số tiền này coi như khoản tích lũy đáng kể. Còn nếu không may có rủi ro phát sinh, bảo hiểm nhân thọ sẽ có trách nhiệm chi trả tiền nằm viện, thuốc, phẫu thuật,…
Tuy nhiên, đến thời điểm hợp đồng bảo hiểm kết thúc, số tiền tôi nhận về chưa đầy 100 triệu đồng. Khi tra soát vào các khoản phí, tôi mới biết lý do vì sao: Đóng 200 triệu nhưng tiền nhận về chưa đầy 100 triệu đồng.
Phí bảo hiểm bổ sung chính là thẻ chăm sóc sức khỏe dành tôi cùng 2 con. Dựa trên bảng minh họa, số tiền chi trả cho 3 thẻ chăm sóc sức khỏe dao động từ 7-8 triệu đồng và tăng hàng năm căn cứ theo tuổi của tôi.
Ngoài ra, trong số tiền bảo hiểm tôi nộp sẽ phải chi trả cho nhiều khoản phí bao gồm: Phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý quỹ. Các mức phí này sẽ dao động từ 2-9% mỗi năm dựa tổng giá trị hợp đồng bảo hiểm mà tôi chi trả.
Như vậy, thực tế, trong 20 triệu tiền phí đóng bảo hiểm, số tiền bị khấu trừ mỗi năm lên tới gần 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều này ít xảy ra trong thực tế vì khoảng thời gian đóng bảo hiểm kéo dài tới 10 năm và tôi không thể quyết định hoặc kiểm chứng "sức khỏe" của công ty bảo hiểm.
Sau quá trình tìm hiểu, tôi thấy rằng, việc tư vấn mua bảo hiểm sau 10 năm được nhận phí đã đóng về và còn được trả lãi như gửi tiền tiết kiệm sẽ không xảy ra. Bảo hiểm nhân thọ hiện có 2 dòng sản phẩm chính là bảo hiểm hỗn hợp truyền thống (có cả yếu tố bảo vệ và tiết kiệm); bảo hiểm liên kết đầu tư (có liên kết đầu tư chung và liên kết đầu tư đơn vị, bao gồm các yếu tố bảo vệ và liên kết đầu tư).
Với sản phẩm truyền thống hỗn hợp, thông thường công ty bảo hiểm có cam kết đảm bảo chia lãi một tỉ lệ nhất định (thường thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm).
Với sản phẩm liên kết đầu tư, phí bảo hiểm khách hàng đóng được công ty bảo hiểm đầu tư và khách hàng hưởng lợi theo kết quả đầu tư của công ty.
Điều này được hiểu đó là kết quả đầu tư chung nếu khách hàng lựa chọn mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chung, kết quả đầu tư của từng quỹ riêng biệt của công ty bảo hiểm, từ quỹ đầu tư an toàn đến quỹ đầu tư mạo hiểm để khách hàng lựa chọn và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
Phía doanh nghiệp bảo hiểm không cam kết về kết quả đầu tư. Vì vậy, có thể sau 10 năm khách hàng có thể nhận được số tiền cao hơn hay thấp hơn số tiền tương đương gửi tiết kiệm là căn cứ theo hiệu quả hoạt động đầu tư thực tế của công ty bảo hiểm. Nhưng đây cũng là con số khó kiểm soát với người tham gia bảo hiểm".