Kiểm tra cặp của con sau khi đi học về, phụ huynh TP.HCM bàng hoàng phát hiện ra thứ bên trong: Sao lại có thể như thế?
Phụ huynh này sau đó đã phải báo cáo câu chuyện này lên giáo viên chủ nhiệm.
Báo Đời sống Pháp luật ngày 22/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Kiểm tra cặp của con sau khi đi học về, phụ huynh TP.HCM bàng hoàng phát hiện ra thứ bên trong: Sao lại có thể như thế?" cùng nội dung như sau:
Mới đây, trong một nhóm cộng đồng dành cho phụ huynh TP.HCM, một người mẹ đã bức xúc chia sẻ câu chuyện mà con gái chị gặp phải ở lớp. Được biết, con gái chị đang học lớp 3. Ở lớp, cô bé thường xuyên bị các bạn trêu đùa, trong đó đỉnh điểm là lần con bị các bạn đổ thức ăn thừa vào cặp. Và ở lần thứ 2 con bị các bạn "đùa giỡn" quá đáng như vậy, người mẹ này không thể nhịn nổi nỗi bức xúc mà phải đăng lên mạng tìm kiếm lời khuyên.
"Học sinh lớp 3 mà giờ chơi đùa giỡn kiểu gì mà thâm quá, con gái mình đi học mà cứ bị bạn học đổ cơm vào cặp như vậy. Khổ ghê!", người mẹ chia sẻ.
Bài đăng của người mẹ này nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của dân tình. Dưới phần bình luận, bên cạnh sự bức xúc trước hành động của nhóm học sinh, netizen cũng đề xuất nhiều cách giải quyết với hy vọng có thể giúp người mẹ chấm dứt tình trạng con gặp phải.
- Mình nghĩ phụ huynh cần lên trường gặp thầy cô phản ánh vấn đề, thay vì kêu ca trên mạng như vậy. Các bạn còn nhỏ thì phải báo cáo với nhà trường, thầy cô mới biết để cảnh cáo.
- Đây cũng một dạng của bạo lực học đường đấy, phụ huynh cần hành động để bảo vệ con, không cứ để thế này con bị ảnh hưởng tâm lý lắm.
- Bé nhà bạn bị đùa giỡn hay bắt nạt? Lần đầu có thể bỏ qua, chứ lần 2 là phải xử lý ngay mẹ ơi, đừng để mọi chuyện đi quá xa.
- Bé mình chỉ bị bạn trêu ghẹo những lời không hay thôi là mình đã nhắn tin lên nhóm phụ huynh và báo cho giáo viên chủ nhiệm liền rồi, từ chuyện nhỏ sẽ thành chuyện to và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của bé. Phụ huynh nên làm rõ việc này sớm!
- Mẹ nên chụp ảnh lại gửi cô và đưa lên nhóm phụ huynh nói họ nhắc nhở con mình, chứ im không nói gì con sẽ bị như thế dài dài, đôi khi tụi nhỏ chỉ biết hành động quá đà mà không biết hậu quả, nên cần trao đổi để người lớn răn dạy lại các con.
Được biết, sau khi nhận lời khuyên của cộng đồng mạng, người mẹ đã đăng tải câu chuyện của con mình lên nhóm phụ huynh của lớp. Qua đó, chị phát hiện ra nhiều em học sinh khác trong lớp cũng bị giấu dép trong nhà vệ sinh. Ngay sau đó, gia đình đã liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để yêu cầu giải quyết triệt để vấn đề.
Phụ huynh nên làm gì khi con thường xuyên bị các bạn cùng lớp trêu chọc quá đáng?
Từ câu chuyện của con vị phụ huynh trên, một điều các bậc qua mẹ cần quan tâm là nên làm gì khi con bị bạn bè trong lớp trêu chọc quá đáng, thậm chí bắt nạt.
Khi trẻ em bị bạn bè cùng lớp trêu chọc thường xuyên, điều đầu tiên mà phụ huynh cần làm là lắng nghe cảm nhận của con mình một cách chân thành. Sự lắng nghe không phán xét này không chỉ giúp xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà còn thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ cho đứa trẻ. Thông qua cuộc trò chuyện, phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân và bối cảnh của việc trêu chọc, từ đó mới có thể đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Phụ huynh nên dạy trẻ cách phản ứng tích cực khi đối mặt với tình huống này. Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng xã hội như tự tin, khéo léo từ chối, và cách giữ bình tĩnh có thể giúp trẻ không trở thành mục tiêu dễ dàng của sự trêu chọc. Bên cạnh đó, việc khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm hoặc các sở thích cá nhân cũng sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè.
Đồng thời, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để giải quyết vấn đề. Nên tiếp cận giáo viên và cán bộ quản lý một cách cởi mở và cung cấp thông tin chi tiết về những gì trẻ kể. Nhà trường có thể có biện pháp can thiệp để đảm bảo môi trường học đường lành mạnh và an toàn cho mọi học sinh.
Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hoặc các lớp học kỹ năng sống cũng có thể giúp trẻ tự tin và mạnh mẽ hơn trong môi trường xã hội. Học các môn nghệ thuật, thể thao hoặc tham gia vào các nhóm hỗ trợ cũng là cách tốt để trẻ học cách thể hiện mình và tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác.
Cuối cùng, phụ huynh cần kiên nhẫn và luôn sẵn sàng ủng hộ con mình, nhận diện và tăng cường những điểm mạnh của trẻ. Tình yêu thương, sự khích lệ và lòng tin mà phụ huynh dành cho con không chỉ giúp trẻ xây dựng sự tự trọng mà còn là nền tảng vững chắc để trẻ vượt qua mọi thách thức trong cuộc sống, kể cả những lúc bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt.
Trước đó, báo Đời sống Pháp luật ngày 30/10 cũng có bài đăng với thông tin: "Con trai lớp 7 nhảy lầu từ tầng 17, ông bố giở cặp sách của con ra xem thì ngã quỵ trước 1 xấp giấy". Nội dung được báo đưa như sau:
“Sáng nay, họa sĩ nhí Tống Hạo Nhiên đã đột ngột ra đi, không để lại cho tôi một lời nào”, ngày 23/11/2021, nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Tống Thanh Huy đã chia sẻ tin buồn về con trai mình trên mạng xã hội.
Ông Tống Thanh Huy cho biết, sự ra đi của con trai là quá bất ngờ và đột ngột đối với gia đình. Theo ông, bi kịch của gia đình mình còn là một lời cảnh tính lớn đến nhiều phụ huynh khác.
Bi kịch buổi sáng định mệnh
Vào ngày 23/11/2021, như thường lệ, Tống Hạo Nhiên thức dậy lúc 5 giờ 50 phút, ăn sáng và cùng mẹ - bà Đan Diễm Hồng đi xe buýt đến trường. Tuy nhiên, hôm đó người mẹ có việc phải đi sớm nên đã để lại tiền ăn sáng cho con.
Khoảng 6 giờ 30 phút, bà Đan Diễm Hồng phát hiện định vị trên đồng hồ điện thoại của Tống Hạo Nhiên vẫn ở trong khu nhà, liền gọi điện hỏi chồng xem con có để quên đồng hồ ở nhà không. Sau khi được chồng xác nhận là không, bà linh cảm có chuyện chẳng lành. Ngay lập tức, ông Tống Thanh Huy đã ra ngoài tìm kiếm con.
“Tôi điên cuồng tìm kiếm khắp nơi và phát hiện ra con sau 20 phút”, ông Tống Thanh Huy nghẹn ngào kể lại. Con trai ông đã rơi từ tầng 17 xuống ban công tầng 2. Do cửa sổ ban công tầng 2 có lắp song sắt bảo vệ nên ông phải phá song sắt để vào trong.
“Sáng hôm đó trời rất lạnh, con trai tôi nằm im lặng ở đó, trông rất cô đơn, bên cạnh đầu là một vũng máu. Lúc đó chỉ có hai chúng tôi, tôi vừa liên tục hô hấp nhân tạo cho con, vừa gọi cấp cứu, cảnh sát và người nhà. Khi mọi người đến nơi thì tay con trai tôi đã lạnh ngắt.”
Nhân viên cấp cứu đến hiện trường xác nhận Tống Hạo Nhiên đã tử vong. “Họ nói không còn hy vọng cứu chữa nữa, tôi đành bất lực nhìn con ra đi mà không thể làm gì được. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình”, ông Tống Thanh Huy đau đớn nhớ lại.
Sự ra đi của Tống Hạo Nhiên là một cú sốc quá lớn đối với gia đình. Vài ngày trước khi xảy ra sự việc, cậu bé còn nói với mẹ rằng sắp đến kỳ thi thể dục: “Mẹ ơi, hãy nấu cho con món gì ngon ngon để bổ sung năng lượng nhé”. Không chỉ vậy, Tống Hạo Nhiên còn cho bố xem bức tranh vẽ dang dở của mình. “Con nói rằng con đang vẽ một bức tranh lớn, khác với những bức tranh trước đây, lần này con dùng bút bi và đã phác thảo xong, chỉ cần thêm một tháng nữa là hoàn thành”.
Niềm đam mê hội họa dang dở
Sau khi kiểm tra đồ đạc và cặp sách của con, vợ chồng ông Tống đã tìm thấy một xấp giấy dày, trên đó là biết bao bức tranh đang vẽ dở.
Trong mắt ông Tống Thanh Huy, con trai tuy học lực trung bình nhưng tính tình rất tốt, yêu thích vẽ tranh và đá bóng, có nhiều bạn bè thân thiết. Ông vẫn chưa thể chấp nhận được sự ra đi đột ngột của con.
Tống Hạo Nhiên rất đam mê hội họa. Cậu bé từng nhiều lần chia sẻ với bố về ước mơ trở thành một họa sĩ lớn. Cậu còn đặt tên WeChat của mình là “Họa sĩ lớn Tống Hạo Nhiên”.
Ông Tống Thanh Huy cho biết, con trai đã bộc lộ niềm đam mê hội họa từ năm 1 tuổi. “Chỉ cần nhìn thấy một mẩu giấy, con sẽ lấy bút vẽ ra và chăm chú vẽ cho đến khi rời khỏi thế giới này.”
Người cha chia sẻ, con trai mới học cấp hai được hơn hai tháng nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Tống Hạo Nhiên dường như đã đánh mất niềm đam mê vẽ tranh và trở nên buồn bã. “Trong hơn hai tháng học cấp hai, mỗi ngày con đều phải làm bài tập đến khuya, thậm chí có những hôm còn phải làm thêm vào sáng hôm sau trước khi đi học. Trường học tổ chức kiểm tra hàng tuần và kết quả kiểm tra ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của con.” Mỗi khi như vậy, cậu bé thường tìm đến cuốn sách yêu thích “Bản thảo Van Gogh”, đọc đi đọc lại đến nỗi cuốn sách gần như rã rời.
Nghi vấn áp lực học tập quá lớn
Ông Tống Thanh Huy vẫn còn nhớ như in hình ảnh con trai trở về nhà sau kỳ kiểm tra gần nhất. “Theo quy định của trường, học sinh phải mang tất cả sách vở về nhà. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh con trai đeo ba lô nặng trĩu trên vai, cổ đeo túi sách nặng đến nỗi hằn lên những vết đỏ…”
Ông liên tục hồi tưởng lại những nguyên nhân có thể khiến con trai mình tìm đến cái chết. “Một ngày trước khi sự việc xảy ra, Tống Hạo Nhiên đã bị phê bình trong nhóm chat của lớp vì chưa hoàn thành bài tập. Con trai tôi khá tự ái, có thể đã không chịu đựng được.” “Kết quả kiểm tra giữa kỳ không được như mong muốn, con trở về nhà với vẻ mặt buồn bã. Lúc đó, vợ tôi đã phải an ủi và động viên con rất nhiều…”
Ông Tống chia sẻ với phóng viên rằng sau khi con trai qua đời, ông và vợ đã không ngừng tự vấn bản thân. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng “việc học quá tải, kiểm tra hàng tuần, nhà trường thiếu quan tâm và làm việc hình thức trong việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành động dại dột của con trai tôi”.
Người cha cho biết, kể từ khi con trai lên cấp hai, cả con và bố mẹ đều luôn trong trạng thái lo lắng. Nhà trường có rất nhiều phần mềm điểm danh, nhóm bài tập, nhóm phụ huynh, nhóm ban phụ huynh, thậm chí cả bài tập thể dục cũng phải điểm danh. Một số phần mềm còn thu phí rất cao, ví dụ như phần mềm học từ vựng tiếng Anh có giá 700 tệ (khoảng 2,3 triệu đồng).
“Sự ra đi của con trai Tống Hạo Nhiên đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi rất nhiều. Tôi hy vọng rằng từ sự mất mát này, chúng ta có thể rút ra bài học để suy nghĩ lại. Tôi cũng muốn dùng cách này để tưởng nhớ con trai”, nhà kinh tế học đau xót nói.