Bão Wipha đang di chuyển nhanh, hướng vào đất liền nước ta, 18 tỉnh đặc biệt chú ý
"Đây là cơn bão gió không lớn nhưng mưa thì khả năng cao, diện mưa khá rộng, tác động đến 18 tỉnh và 1.713 xã từ Bắc Hà Tĩnh trở ra", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định.
Theo báo Người đưa tin cập nhật ngày 19/7 có bài Bão Wipha đang di chuyển nhanh, hướng vào đất liền nước ta, 18 tỉnh đặc biệt chú ý. Nội dung như sau:
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Dự báo trong khoảng tối và đêm 19/7, cơn bão Wipha sẽ đi vào khu vực phía Bắc của khu Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 .
Cơn bão này đang hoạt động trong một điều kiện môi trường lý tưởng.
Nhiệt độ mặt nước biển hiện tại quan trắc ở khu vực bão hoạt động là khu vực phía Bắc của Biển Đông là vùng bão đi vào nhiệt độ mặt nước biển đang được quan trắc là cao nhất ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với nhiệt độ khoảng 30-31 độ, cao hơn cả khu vực giữa và Nam Biển Đông cũng như ngoài khơi Tây Bắc Thái Bình Dương.
Điều kiện độ đứt gió ở các tầng khí quyển trên cao rất nhỏ tạo điều kiện cho nước ẩm tích tụ lại, vì vậy trong 24, 48, 72 tiếng tới, bão Wipha sẽ có xu hướng nó mạnh lên.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.
Chuyên gia khí tượng nhận định, tác động của bão số 3 có khả năng sẽ gây ra gió mạnh, mưa lớn trên đất liền của Việt Nam. Từ ngày 21 đến khoảng ngày 23, 24/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An có khả năng xảy ra đợt mưa rất lớn.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng lưu ý thời điểm bão Wipha di chuyển vào biển Đông cũng trùng với cao cuộn nhiệt đới gió lớn vào, tạo điều kiện cho hướng bão di chuyển nhanh hơn, tốc độ nhanh hơn, cường độ sẽ mạnh và ít thay đổi.
Vị trí và đường đi của bão số 3 vào tối 18/7 (.Ảnh: nchmf).
Tại thời điểm hiện tại thì tất cả những mô hình dự báo của Trung tâm dự báo bão quốc tế đều nhận định bão vào Biển Đông và di chuyển nhanh và hướng về đất liền của Việt Nam.
Tuy nhiên về điểm ảnh hưởng cũng như cường độ khi ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam đang có sự khác biệt tương đối lớn với các mô hình dự báo nên còn tiếp tục theo dõi.
"Đây là cơn bão gió không lớn nhưng mưa thì khả năng cao, diện mưa khá rộng, tác động đến 18 tỉnh và 1.713 xã từ Bắc Hà Tĩnh trở ra. Tôi đề nghị tính toán phân công ở những xã nguy cơ cao có người của bộ ngành cùng tham gia chỉ đạo ứng phó", tờ VTC News trích dẫn nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra khi kết luận cuộc họp ứng phó với bão Wipha, diễn ra chiều 18/7.
Cùng cập nhật về cơn bão, báo VnExpress ngày 19/7 có bài Bão Wipha mạnh cấp 9 vào Biển Đông. Nội dung như sau:
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết bão đang theo hướng tây bắc với tốc độ 20 km/h, đến 7h ngày mai mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 13 trên vùng biển Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 600 km.
Đến 7h ngày 21/7, bão mạnh cấp 11-12, giật 14 khi ở phía đông bán đảo Lôi Châu, giữ nguyên tốc độ nhưng chếch về hướng tây vào vịnh Bắc Bộ. Đến 7h ngày 22/7, sau khi ma sát với bán đảo Lôi Châu, bão giảm còn cấp 9, giật cấp 12 khi ở trong vịnh Bắc Bộ, sau đó đổi hướng tây nam và đi vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng.

Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng bão Wipha sáng 19/7. Ảnh: NCHMF
Đài khí tượng Nhật Bản nhận định bão mạnh nhất trong đêm nay và ngày mai khi đạt sức gió 108 km/h. Bão sẽ đi vào phía bắc bán đảo Lôi Châu và men theo đất liền ven biển Trung Quốc trước khi chếch xuống Việt Nam. Đài Hong Kong cho rằng bão sẽ mạnh nhất với sức gió 130 km/h, khi vào vịnh Bắc Bộ giảm còn 90 km/h rồi đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng.
Ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông bắc Biển Đông gió mạnh dần lên từ cấp 6 đến cấp 11, giật cấp 13, sóng biển cao 4-6 m. Tàu thuyền hoạt động trong vùng biển này có khả năng chịu tác động.
Trong cuộc họp thường trực ban chỉ đạo phòng chống bão ngày 19/7, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý bão Wipha có đường đi tương đồng với Yagi, cường độ có thể sẽ không mạnh bằng nhưng gây mưa lớn cho Bắc Bộ.
Trong bối cảnh khu vực này có 137 hồ hư hỏng nặng và 47 hồ đang thi công, trữ lượng nước đạt trung bình 59-85% dung tích thiết kế, lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị tính toán hợp lý phương án xả lũ, đảm bảo an toàn hồ đập, "tránh xảy ra tình trạng như thủy điện Thác Bà năm ngoái".
Từ đầu năm, Biển Đông đã có ba cơn bão, trong đó bão Danas không ảnh hưởng đến đất liền, còn bão Wutip hồi tháng 6 không đổ bộ nhưng gây mưa lớn từ 11 đến 13/6 ở Trung Trung Bộ. Đợt mưa lũ này làm 11 người thiệt mạng tại Quảng Trị và TP Huế, hơn 3.500 nhà bị ngập, 88.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Nhiều tuyến giao thông sạt lở, ngập úng; chuyến bay từ Đà Nẵng bị hoãn, hủy; chung kết thi hoa hậu phải dời lịch vì nước lũ dâng cao trên sông Hương.