Anh nông dân đào được khúc gỗ 20m "đen sì" từ dưới sông vô cùng quý hiếm

Hóa ra, cây gỗ khổng lồ mà anh nông dân Trung Quốc này đào được lại là “Đông Phương Thần Mộc” vô cùng quý hiếm, trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Một người nông dân tên Tiểu Lương ở huyện Tu Thủy, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã tình cờ tìm thấy cái cây khổng lồ trong lúc đi câu cá ở bờ sông gần nhà. Ban đầu, vì chỉ nhìn thấy một phần nhỏ lộ ra trên mặt nước nên Tiểu Lương cho rằng đó chỉ là một khúc gỗ mục. Tuy nhiên, khi đến gần và sờ vào, anh nhận thấy đây không phải là một cây gỗ bình thường.

Cây gỗ đen sì, bề mặt mịn và mướt như ngọc, cứng như đá. Dù ngâm mình trong nước nhưng thân cây này lại tỏa ra một mùi hương thoang thoảng dễ chịu. Vì khúc gỗ quá lớn, Tiểu Lương chỉ có thể cắt ra một miếng gỗ nhỏ, bọc trong vải rồi đem về nhà.

Sau khi quan sát cẩn thận, anh chắc chắn rằng đây là một cây gỗ đặc biệt nên khoe với anh rể là Tiểu Song rằng mình mới đào trúng một thân cây kỳ lạ. Tò mò, họ tìm kiếm thông tin trên mạng và cho rằng khúc gỗ tìm được là gỗ âm trầm - giống gỗ được ngâm mình trong nước suối từ thời cổ đại, không bị mục hay sâu mọt và được mệnh danh là “Đông Phương Thần Mộc”.

Biết được giá trị của loại gỗ này, ngay hôm sau, Tiểu Lương đã liên hệ với chủ máy xúc gần đó để đào khúc gỗ quý lên khỏi sông. Tuy nhiên, vì nó quá lớn nên một chiếc máy xúc cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, anh đã tìm thêm hai máy xúc để chúng cùng làm việc. Cứ như vậy, sau ba ngày, thân cây khổng lồ này cuối cùng cũng được kéo lên trước mắt mọi người. Tuy nhiên vì nó quá lớn, không có chỗ để nên anh đành phải để nó lại bên bờ sông và cho người canh giữ 24/24 giờ.

Chuyện Tiểu Lương đào được gốc cây khổng lồ có chiều dài hơn 20m, thân cây to 3 người lớn ôm không xuể nhanh chóng được lan truyền khắp làng. Việc anh chi đến 80.000 NDT (tương đương 260 triệu đồng) thuê 3 chiếc máy xúc để vớt được khối gỗ này lên đã khiến dân làng đặt ra nghi vấn: Bỏ ra nhiều tiền như vậy cho một khúc gỗ, chẳng phải là bảo vật gì đó sao?

Vì tò mò, nhiều người trong làng đã kéo nhau đến xem tận nơi. Sau khi biết được giá trị của khúc gỗ, nhiều người tỏ ra bức xúc, cho rằng Tiểu Lương lấy đồ trong làng làm của riêng. Một số người khác cho rằng vì Tiểu Lương đã phát hiện ra khúc gỗ, và trả tiền cho máy xúc đào lên nên nó thuộc về Tiểu Lương là đúng.

Tranh cãi nổ ra khiến câu chuyện ngày càng phức tạp. Cảnh sát và các quan chức địa phương cũng đến tận nơi để điều tra vụ việc. Một nhóm chuyên gia cũng được cử tới để thực hiện công tác kiểm định.

Kết quả cho thấy thân khổng lồ mà Tiểu Lương tìm được chính xác là gỗ âm trầm. Các chuyên gia nhận định một thân cây lớn như thế này rất quý hiếm, ước tính có giá trị lên tới hàng trăm triệu NDT (tương đương hàng trăm tỷ đồng).

Nghe đến đây, Tiểu Lương không khỏi sững sờ. Anh lập tức muốn đem cây gỗ về nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia kiểm định đã ngăn anh nông dân này lại:

"Gỗ âm trầm rất quý giá và có giá trị nghiên cứu rất cao, tôi nghĩ anh nên giao lại kho báu này cho nhà nước sẽ an toàn hơn. Chính quyền không chỉ hoàn trả đầy đủ tất cả các chi phí mà anh đã bỏ ra mà còn trao thưởng tiền mặt và bằng khen.”

Sau một hồi suy nghĩ, Tiểu Lương cuối cùng cũng đồng ý với đề nghị của chuyên gia.

Tại sao gỗ âm trầm lại có giá trị như vậy?

Theo các chuyên gia, gỗ âm trầm là loại gỗ bị cacbon hóa vô cùng quý hiếm. Loại gỗ này được hình thành từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm thậm chí hàng vạn năm, bị chìm, vùi lấp xuống sông do các nguyên nhân tự nhiên. Sau thời gian dài ngâm mình trong nước, kết cấu gỗ đã thay đổi.

Về đặc điểm màu sắc, gỗ âm trầm có nhiều màu khác nhau như nâu, xám, đen, xanh đen, tím… sau 1 thời gian dài, gỗ âm trầm bị cacbon hóa và trở thành màu sẫm đen như than. Cùng sự xâm nhập của các loại khoáng chất khác và sự ngâm mình trong nước cả vạn năm nên gỗ âm trầm được coi là tinh hoa của trời đất.

Vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh, gỗ âm trầm đã trở thành một món đồ được ưa chuộng cho tất cả các cung điện hoàng gia và dùng làm quan tài cho vua chúa. Có thể nói, gỗ âm trầm là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là nguồn tài nguyên quý hiếm không tái tạo, có giá trị văn hóa phi vật thể cực kỳ cao. Do đó, giá trị kinh tế của loại gỗ này cũng khó có thể đong đếm.